Các nghi thức trong Tang lễ và sau Tang lễ

I. Các nghi thức trong tang lễ cổ truyền

Từ xưa, nhân dân ta chịu ảnh hưởng lễ nghi của người Trung Hoa, cho nên lễ tang được cử hành tương tự như vậy, tuy nhiên cũng khác đi nhiều chỗ. Mọi sự tế lễ của ta căn cứ theo "Thọ Mai Gia Lễ" và "Gia Lễ Chỉ Nam". Thọ Mai cư sĩ, tên chính là Hồ Gia Tân, sinh sống vào thời Hậu Lê, đã soạn cuốn "Gia lễ thành sách", có nhiều chỗ đã phỏng theo nghi thức của Chu Văn Công tức Chu Hi, còn gọi là Chu Tử, đời Nam Tống đặt ra và Thọ Mai cư sĩ cũng đã có sửa đổi ít nhiều. Cho tới ngày nay, nhiều nghi lễ đã được giản tiện, phù hợp với hoàn cảnh sống trong thực tế xã hội, nhất là ở các nơi thành thị. Tuy nhiên một số lễ chính có ý nghĩa quan trọng vẫn còn được áp dụng. Vì tinh thần báo hiếu (nghĩa tử nghĩa tận) vẫn luôn là vấn đề thiết yếu trong đời sống người Việt Nam, được đặt lên hàng đầu, nên khi cha mẹ chết, ai ai cũng muốn lo cho đủ lễ và toàn vẹn. Không những là cha mẹ, những người thân trưởng thượng hay là bất cứ người nào trong quyến thuộc, khi từ trần cũng được thân nhân lo lắng chu toàn mọi việc. Sinh hoạt xã hội Á Đông nặng tình cảm, coi trọng huyết thống gia đình thân tộc, nên từ hàng ngàn năm trước, vấn đề tang lễ đã đươc đặt ra một cách có qui cũ. Tư tưởng của các triết gia Á Đông đã nói đến bổn phận của người ta trong việc tang ma một cách cẩn thận chu đáo. "Sinh", "lão", "bệnh", "tử" là bốn điều phải có trong một đời người, không ai tránh khỏi. Cái chết còn có ý nghĩa chấm dứt sự sống một cuộc đời. Từ xưa, tang lễ rất trang nghiêm. Thời khắc hấp hối sắp phải vĩnh viễn ra đi của một người, không khí trong gia đình trở nên trầm lắng xuống và thật thiêng liêng. Con cháu ở xa gần được báo tin vội vã quay về, họ im lặng với nỗi buồn da diết. Lúc bấy giờ thân nhân phải giữ cho được bình tĩnh. Theo lệ xưa trong giờ phút này, con cháu thường tắm gội sạch sẽ cho người già bằng nước lá thơm rồi cắt móng chân, móng tay. Móng chân, móng tay này không được vứt đi mà phải gói lại cẩn thận để đặt vào quan tài. Người già tắt thở xong, con cháu vuốt mắt rồi thay quần áo. Đây là bộ quần áo trắng, chỉ mặc lúc chết và thường được chuẩn bị trước. Người nào quy Phật thì mặc bộ quần áo có in dấu của nhà Phật gọi là áo lục phù. Sau đó, họ buộc hai ngón chân cái của người chết lại với nhau, hai tay để lên bụng, bó vai bằng một sợi dây vải và bỏ vào miệng người chết một ít gạo sống cùng với tiền lẻ, dùng một chiếc đũa ăn cơm hàng ngày để ngáng miệng rồi phủ một tờ giấy hoặc mảnh vải trắng lên mặt. Người dân quan niệm tiền và gạo phạm hàm đó là lương thực và lộ phí cho người chết hành trình sang cõi âm. Việc ngáng đũa trong miệng, về mặt khoa học là để tử khí trong cơ thể có lối thoát ra, nhưng trong tâm thức người dân thì chết ngậm miệng là cái chết không thanh thản, còn nhiều ngậm ngùi, giằng xé với trần gian. Người ta buông màn rồi thắp một ngọn đèn dầu đặt ở cạnh đầu giường và từ lúc này phải luôn có con cháu túc trực, trông coi thi hài, không để cho mèo, chuột nhảy qua. Giải thích một cách khoa học thì đó là hiện tượng hút nhau của các điện tích trái dấu, nhưng với nhân dân thì mèo nhảy qua làm cho hồn nhập trở lại xác, người chết sẽ sống lại và ngồi dậy. Khi đó người ta phải tìm thầy cúng cao tay đến làm lễ, niệm thần chú, phù phép thì xác mới nằm xuống được.

Có thể để thi hài như vậy đợi thân nhân về hoặc cưới chạy tang nhưng không được để quá 3 ngày. Những đồ dùng tiếp xúc với người chết như quần áo, chăn màn, giường chiếu phải đem thả xuống sông hoặc đốt đi. Với người chết không có bệnh, con cháu thường giữ lại những quần áo còn lành, mới để mặc. Họ cho rằng dùng quần áo đó sẽ được người chết phù hộ cho luôn khoẻ mạnh, may mắn. Đặc biệt, lúc người già hấp hối, con cháu dù có đau đớn đến mấy cũng không được khóc thành tiếng, vì như vậy người chết sẽ không được nhẹ nhàng, thanh thản. Tối kị việc để cho nước mắt rơi vào thi hài.

Các bước lo hậu sự cho người chết

1. Đặt tên húy (thụy) cho người chết

Khi trong nhà có người nhà hấp hối, việc quan trọng là đặt lên hèm, (tên thụy) cho người sắp chết. Đó là một tên mới (do người sắp chết tự đặt hoặc con cháu đặt cho) mà chỉ có người chết, con cháu và thần Thổ công nhà đó biết mà thôi. Khi cúng giỗ, con trưởng sẽ khấn bằng tên hèm, tên (thụy). Thổ thần có trách nhiệm chỉ cho phép linh hồn có "mật đanh" đúng như thế vào thôi (vì vậy, tên này còn gọi là tên cúng cơm). Làm như vậy là đề phòng ngừa những cô hồn lang thang vào ăn tranh cỗ cúng sau này.


2. Lập bàn thờ vong

Trước lúc khâm liệm, người ta lập một bàn thờ vong ở trước cửa, hoặc một cỗ linh sa được đặt trên một chiếc bàn rộng. Trong linh sa có bài vị và ảnh cùng tên tuổi của người chết. Trước bài vị là một chiếc mâm đồng bày nải chuối và quả bưởi. Bát hương làm bằng một đoạn cây chuối cắt ra, và chỉ được dùng hương đen trong đám tang. Hai bên linh sa có hai cây chuối non cắm trong lọ lục bình. Đặc biệt là có một chiếc thang làm bằng rọc chuối dài chừng 50cm được dựng dựa vào linh sa hoặc bàn thờ vong. Người ta còn dùng hai đoạn chuối để kê dưới quan tài. Chúng tôi chú ý đến việc dùng rất nhiều chuối (cả thân, quả, cọng lá) này và kết quả phỏng vấn là người dân giải thích rằng: cây chuối có nhiều bẹ ôm bọc lấy nhau, quả ra thành buồng đông đúc, lớp lang, cây mẹ cây con mọc thành bụi, thành khóm um tùm, lá xoè thành tán che chở cho cây non là biểu tượng của tình cảm gia đình quần tụ, nhiều thế hệ, đông vui, yêu thương, đùm bọc, gắn bó, chở che. Chuối lại mọc thẳng, không phát nhánh là biểu tượng cho tính thật thà, ngay thẳng, trung hiếu của con người. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì chuối là loại cây có khả năng hút tử khí và do vậy mà nó không bị héo úa trong suốt thời gian đám tang, dù là mùa hè nóng nực.

3. Khâm liệm

Sau khi kèn trống nổi một hồi dài, người ta tiến hành khâm liệm. Thi thể người chết được đặt trên chiếc chiếu dưới nền nhà một lát. Khăn phủ mặt và đũa ngáng miệng được bỏ ra, người ta dùng vải trắng hoặc vải đỏ gói người chết lại và đặt vào trong quan tài, gáy được gối lên hai chiếc bát ăn cơm úp hoặc có nơi thì dùng một chiếc gối được nặn bằng đất. Phong tục ở đây không thể thiếu một bộ tam cúc bỏ vào trong ván, để trừ trùng, ma quỹ.
Quan tài được đặt ở gian chính giữa, theo chiều dọc của ngôi nhà, song song với bàn thờ và được kê bằng hai đoạn cây chuối. Với những người chết có bệnh phù, người ta dùng chè khô, cám rang hoặc gạo rang giã nhỏ rắc vào trong ván để hút nước và khử mùi. Lúc khâm liệm phải có thầy cúng (chủ tế) làm lễ. Kể từ lúc đó đến lúc đưa tang trên quan tài luôn được thắp nến (cha thì thắp bảy ngọn, mẹ thì thắp chín ngọn). Giữa mặt ván có đặt một bát cơm bông, trên có một quả trứng gà luộc đã bóc vỏ và được kẹp bằng đôi đũa bông (là chiếc đủa tre vót nhọn và tua ở phân đuôi đủa). Bát cơm này sẽ được đặt trên mộ sau khi chôn. Nắp quan tài được đặt hờ trên các mộng, lúc đưa tang mới đóng khít lại. Sau khi thực hành xong các lễ người chủ tế một tay cầm dao, tay kia cầm bó hương, vừa niệm bài thần chú, vừa quát tháo rồi chém lên mặt áo quan ba nhát hành động này được gọi là phạt mộc với quan niệm để xua ma tà, ác quỷ quấy nhiễu linh hồn.
Một số người sùng tín và nhất là với những trường hợp chết bất thường, người ta thường đi tìm thầy cúng để chọn giờ tốt khâm liệm và mai táng.

4. Phục hồn

Khâm liệm xong, thầy cúng (chủ tế) ra trước bàn thờ vong làm lễ nhập hồn. Thầy thắp hương rồi vừa gõ mõ vừa khấn. Nội dung của bài khấn là trình bào với Thiên đình rằng trần gian có người quy tiên và xin ghi tên vào sổ Thiên tào, làm các thủ tục gia nhập Thiên giới. Khấn xong, thầy cầm dao chém một nhát sao cho chiếc thang cây chuối đứt làm đôi thì kết thúc lễ. Người ta cho rằng khi chết thì hồn rời khỏi xác đi lang thang khắp không trung nên phải làm lễ này và bắc thang là để hồn leo lên Thiên giới. Hồn lên rồi, thang được chặt đi sẽ không có lối để trở lại nữa.

5. Lễ phát tang

Chủ tế làm lễ phát tang. Số khăn tang và mũ mấn được làm đủ với số con cháu, được đặt vào một chiếc mâm trên hương án. Trong lúc chủ tế làm lễ thì con cháu quỳ ở dưới chiếu. Lễ xong, chủ tế hoặc con trưởng phát khăn tang cho mọi người. Khăn tang của người vắng mặt được để lại trên mâm. Con trai, con gái và con dâu đều thắt khăn tang, đội mũ mấn và buộc một vòng dây chuối ngang người. Con rể chỉ chít khăn tang mà không phải đội mũ mấn. Trước kia, dây thắt ngang lưng nhất thiết phải là dây chuối, nhưng ngày nay họ có thể dùng các loại dây khác thay thế. Cách thức để tang có quy định rõ ràng: Tang cha mẹ thì thắt khăn sổ mối, hai dải khăn dài ngắn khác nhau nếu bố mẹ của hai bên có người còn sống và bằng nhau nếu đã mất hết; vợ để tang chồng cũng chít khăn sổ mối, một dải dài, một dải ngắn nhưng chồng để tang vợ thì chỉ quấn vòng tròn quanh đầu; cháu quấn khăn trắng quanh đầu thành vòng tròn, chắt thì khăn vàng và chút đội khăn đỏ. Trong suốt thời gian đám tang, luôn có con cháu túc trực cạnh quan tài hờ khóc.
Sau khi an táng, cháu, chắt không phải đội tang nữa, nhưng con cái hoặc vợ, chồng thì vẫn đội khăn hoặc dùng một mẩu vải đen đeo trước ngực. Sau giỗ đầu, việc để tang này kết thúc. Trong vòng một năm tang trở này, người ta kiêng không đi đám cưới, không đi chúc tết, không làm những việc đại sự như xây nhà, cưới vợ.

6. Phúng viếng

Đám tang thường bắt đầu từ 3, 4 giờ chiều hôm trước và kết thúc vào 9, 10 giờ sáng hôm sau. Sau lễ phát tang cho đến trước khi quay cữu là khoảng thời gian để thân nhân, họ hàng phúng viếng. Kể từ lúc này người con trai trưởng phải luôn đứng cạnh bàn thờ vong để cảm ơn những người đến phúng (gọi là đáp từ). Vật phẩm phúng viếng thường là hương, nến, rượu, vòng hoa, câu đối, và “phong bì”. Xưa kia người dân thường dùng rượu và gạo nhưng hiện nay, để giản tiện nhiều người phúng bằng “phong bì”. Người đến phúng đứng thành hàng trang nghiêm trước hương án, một người đại diện bước ra nói lời chia buồn với tang chủ, sau đó họ dành một phút cúi đầu mặc niệm người quá cố. Người đáp từ nói lời cảm ơn. Mỗi lễ thức lại được tấu một khúc nhạc riêng, được quy định sẵn, rất bài bản.


Đám tang có nơi còn giữ tục rước họ. Khoảng 7 giờ tối phường kèn trống nổi nhạc, đi thành hàng do trùm phường dẫn đầu đến nhà ông trưởng họ của tang chủ. ở đây, mọi người đã có mặt đông đủ, họ cũng đi thành hàng theo sau phường kèn trống trở về đám tang để viếng. Sáng hôm sau lại rước họ đến để đi đưa đám.

7. Tế vong

Buổi tối, khi người đến phúng viếng đã vãn, phường hiếu làm lễ tế vong. Phía cuối sân, đối diện với bàn thờ vong người ta kê một chiếc bàn, trên bày một bình hương, một chai rượu nhỏ, một đĩa xôi và một đĩa thịt luộc. Chủ tế lần lượt dâng từng thứ lên bàn thờ vong. Mỗi lần dâng lại có một bài tế riêng.

8. Quay cữu

Đúng 12 giờ đêm người ta tiến hành quay cữu (xoay chiều quan tài). Trước khi quay cữu, ông chủ làm lễ tế. Quan tài được quay theo chiều ngang của ngôi nhà, đầu hướng vào phía bàn thờ, chân hướng ra cửa. Người dân Quỳnh Hoa quan niệm rằng mặt hướng ra cửa là ra đi vĩnh viễn, không ngoái trông lại. Nếu đặt ngược lại thì hồn sẽ không ra khỏi nhà. Quay cữu xong, mọi người có thể đi ngủ, chỉ để vài người thức trông chừng.

9. Tế cơm
Sáng hôm sau, trước khi cất đám chừng một tiếng, người ta làm lễ tế cơm. Họ xới một bát cơm lồng (cơm tẻ), một quả trứng luộc và một đĩa muối trắng, một chén nước lã. Chủ tế lại lần lượt tế và dâng từng thứ một lên bàn thờ vong như lễ tế vong tối hôm trước. Người dân giải thích rằng đó là cho người chết ăn no trước khi lên đường sang thế giới bên kia.


10. Cất đám ( đưa tang)

Đến giờ đưa tang, thầy cúng đọc văn tế. Tế xong, (ông vào trong nhà, cầm dao chém lên mặt áo quan ba nhát hành động này được gọi là phạt mộc với quan niệm để xua ma tà, ác quỷ quấy nhiễu linh hồn, có vùng hành động phạt mộc này được thực hành lúc khâm liệm cho người chết), sau đó người ta mới sập kín nắp quan tài lại đóng mộng chắc lại. Đám tang khởi hành. Họ đi theo thứ tự trước sau đã được quy định sẵn là: Phật đình, long kiệu, cờ phướn, cầu kiều, linh sa, cờ tang, phường kèn, xe tang, con cháu và cuối cùng là những người làng xóm... Đối với người không quy Phật thì đám tang không có phật đình, long kiệu, cờ phướn, cầu kiều. Thường con trai trưởng đi song song với quan tài, các anh em con cháu khác theo thứ tự đi sau xe tang. Trên suốt chặng đường đi người ta thổi kèn, đánh trống, đánh phèng để xua đuổi ma tà, ác quỷ.
Khi đưa tang có tục lệ con trai trưởng phải chống gậy tre và đi xuôi (nếu là tang cha); chống gậy vông. (đẽo hình vuông. dẹp) đi giật lùi (nếu là tang mẹ). Con gái lớn thì phải lăn trước xe tang trên suốt chặng đường đưa đám.

11. Hạ huyệt

Huyệt được con cháu đào sẵn từ chiều hôm trước. Lúc hạ huyệt, người con trai trưởng lấp hòn đất đầu tiên, sau đó các anh em con cháu khác lần lượt ném xuống một nắm đất, thể hiện ý nghĩa con cái đắp mộ cho cha mẹ. Chủ yếu là những người trong Ban quản lí nghĩa trang của xã thực hiện công việc này. Lúc này mộ mới chỉ đắp sơ sài (gọi là ấp mồ). Người ta phủ vài mảng cỏ, rồi thắp hương và đặt bát cơm bông lên đó. Các cụ đội cầu kiều đi vòng quanh mộ cầu kinh.
Xong xuôi, đám tang trở về nhưng phải theo con đường khác, tránh tuyệt đối không về bằng con đường lúc đi và cũng không được khóc nữa vì như vậy hồn người chết sẽ biết lối mà theo về, nhưng có nơi cũng đã bỏ tục lệ này

12. Rước vong về thờ

Ảnh, bát hương cùng mâm quả thờ trên linh sa, bàn thờ vong được rước vào đặt lên bàn thờ. Người ta lập một bàn thờ ở ngay nơi mà trước kia người chết nằm. Hai bên bàn thờ được treo câu đối, cờ phúng thành hai hàng dọc hoặc bao quanh. Trên bàn thờ luôn có hương khói, đèn nhang.

II. Các nghi thức sau đám tang

1. Đi đắp mộ

Buổi chiều hoặc ba ngày sau đám tang, con cháu người chết mang cuốc xẻng đi đắp lại cho ngôi mộ được cao lên và đẹp hơn. Người ta lấy những mảng có phủ kín bề mặt ngôi mộ, sau đó thắp hương rồi trở ra về. Họ cho rằng nếu cỏ trên ngôi mộ lên nhanh, xanh tươi là điềm lành, báo mồ yên mả đẹp.

2. Cúng tuần đầu

Sau đám tang có lễ cúng tuần đầu. Tuần đầu không quy định bao nhiêu ngày mà là ngày rằm hoặc mồng một đầu tiên kể từ sau khi chết. Người ta sắp cỗ mặn để cúng ở nhà, không cần thiết phải lên mộ.
3. Cúng mùa hạ (cúng hè)

Sau đám tang của người chết gia đình chủ tang vào dịp mùa hè đầu của tang lễ tiến hành cúng hè cho người chết vì quan niệm chết xuống cõi âm thì có tội tình gì trên trần gian xuống địa ngục sẽ bị nóng nực đọa đầy không yên, nên hè đầu tiên cần cúng lễ để cho linh hồn người chết được mát mẽ siêu thoát. Nghi lễ chính diễn ra vào 3 ngày tuần tiết: Tháng 4 cúng ngày 14; Tháng 5 cúng ngày 15; Tháng 6 cúng ngày 16.

4. Cúng 49 ngày

Ngày thứ 49, con cháu làm cỗ mặn cúng tại nhà, nếu là người theo phật (Quy) thì mang cả xôi gà, rượu cùng trầu, cau, hương lên chùa, đền lễ cho vong hồn người chết được mát mẻ, siêu thoát. Sau 49 ngày người ta có thể rước vong linh lên chùa. Lễ vật gồm trầu cau, xôi thịt cùng hương nến. Thân nhân nói tên tuổi người chết để nhà sư làm lễ. Sau lễ này người chết đó sẽ có một bát hương trên chùa, ghi tên tuổi rõ ràng và được nhà chùa thắp hương vào những ngày sóc, vọng. Tuy nhiên, con cháu vẫn thờ cúng ở nhà bình thường như mọi người khác.

5. Cúng cơm 100 ngày

Trong vòng 49 ngày hoặc có vùng 100 ngày sau khi người chết qua đời con cháu phải cúng cơm mỗi ngày hai bữa trưa, chiều. Có giải thích rằng người chết mới xuống âm phủ cũng như người mới ra ở riêng, chưa có vốn làm ăn lại không quen biết ai, chưa có lương thực nên phải cúng cơm cho họ như là nuôi trong những ngày đầu. Cúng trong vòng 100 ngày rất đơn giản. Người ta xới một bát cơm lồng, một đôi đũa, một quả trứng luộc đã bóc sạch vỏ và một đĩa muối trắng, một chén nước lã, đặt lên bàn thờ rồi chắp tay khấn, gọi đầy đủ tên (húy)của người chết, quê quán bản thổ mời về ăn cơm. Nhà nghèo không có trứng cũng không sao nhưng phải đầy đủ cơm, muối và chén nước. Cơm nấu để cúng không được ghế cơm nguội, không được nếm hay lấy cho chó, mèo ăn trước khi cúng.
Đến ngày thứ 100, người ta làm lễ tốt khốc. Lễ thức này cũng giống như 49 ngày nhưng thường được tổ chức lớn hơn, mời họ tộc và con cháu trở về đông đủ. Sau 100 ngày thân nhân không phải cúng cơm nữa, người chết được thờ chung trên bàn thờ tổ tiên, câu đối và gian thờ cúng được dọn dẹp.
Cũng trong khoảng 100 ngày này, mỗi khi có đám tang thì con cháu phải đi nhận mộ bằng cách lên thắp hương và hờ khóc trong suốt khoảng thời gian đám tang kia chôn cất. Họ cho rằng khi có một đám tang mới là âm phủ có một đám hội, hồn ma có thể mải chơi nơi đám hội này mà quên mất lối về cho nên phải hờ khóc để gọi hồn về đúng nhà cửa của họ.
6. Cải táng

Người chết từ ba năm trở lên mới được phép cải táng. Người ta thường xem ngày, chọn giờ tốt, mua sẵn một chiếc tiểu sành để chuẩn bị cho công việc quan trọng này. Đến ngày đã định, trước khi đào mộ, con cháu làm lễ cúng tổ tiên, trình bày việc "thay nhà mới" cho người chết. Họ cũng sắp lễ đến cúng ở chùa nếu người chết đã Quy Phật, và ra mộ báo cáo trước. Khi cải táng, người ta thường làm ban đêm hoặc sáng sớm tránh không cho ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuống huyệt nếu làm ban ngày phải dùng bạt che. Rượu được mang theo để rửa tay và đổ xuống ván khi vừa mở nắp, mục đích là để tẩy mùi. Xương cốt được thu gom đầy đủ rồi đặt vào trong tiểu nhưng phải sắp xếp theo đúng như vị trí của chúng trên cơ thể. Tiểu được đem đi chôn ở nơi đã chọn, song nhìn chung người ta thường quy tụ mồ mả của họ tộc về một khu vực để dễ bề trông nom, chăm sóc. Tiểu được chôn vĩnh viễn không chuyển dịch đi đâu nữa.

7. Kị nhật:

Kị nhật là phần cúng giỗ gia tiên thân nhân của mình của mỗi người hay gia đình mỗi năm tổ chức một lần vào ngày mất của họ. Có thể giỗ trước hoặc sau ngày chết một ngày. Đặc biệt chú ý là giỗ đầu và thường tổ chức long trọng. Thân nhân ở xa không về kịp đám tang thường đợi đến giỗ đầu mới về dự coi như chia buồn cùng gia đình. Sở dĩ như vậy vì có ý kiến cho rằng sau một năm mà thân nhân người chết không ốm đau, làm ăn không thất bại, mồ mả không bị động thì người chết đó mới được coi là ra đi thanh thản, mồ yên mả đẹp và phù hộ độ trì cho con cháu.




Share on Google Plus

About Phong Thuỷ Gia

Đệ tử hậu nhân của nho giáo, pháp đạo xin được chia sẽ chút kiến thức. Rất mong mọi người chỉ điểm thêm và đóng góp ý kiến giúp đạo, giúp đời..
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 Comments:

Post a Comment