Tìm hiểu an táng những trường hợp chết đặc biệt

Những trường hợp đặc biệt

1. Trừ trùng (trùng tang)

Trường hợp người chết vào giờ độc hoặc trùng tang người ta phải làm lễ trừ trùng. Biểu hiện của hiện tượng này là thân nhân mơ thấy hồn người chết hiện về báo mộng than khóc hoặc kể lể thiếu thốn, yêu cầu người sống gửi cho thứ này, thứ khác hoặc trong vòng 100 ngày thân nhân luôn gặp hạn, ốm đau, tai nạn, làm ăn thất bại hay có người đột tử. Trường hợp này người ta phải mời thầy cúng về làm phép, yểm bùa để trừ tà.
Thầy cúng làm bốn lá bùa bỏ vào bốn ống tre rồi lên mộ làm lễ cúng. Thầy phù phép rồi chôn bốn ống tre xuống bốn góc của ngôi mộ. Trở về nhà thầy lại cúng và làm phép ở ngoài sân, sau đó chôn một cái lưỡi cày ở giữa gầm giường mà trước đây người chết nằm gọi là yểm đảo.

2. Trẻ con chết (chết yểu)

Trẻ em dưới 16 tuổi chết thì không được làm đám tang mà chỉ có một số thân nhân trong họ tộc khâm liệm rồi đưa đi an táng một cách lặng lẽ. Mẹ đứa trẻ không được đi đưa tang (người ta sợ bà mẹ sẽ không đủ sức chịu đựng đau đớn). Đám tang trẻ em thường diễn ra vào lúc chiều tối. Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi không được dùng ván mà phải bó chiếu chôn. Từ 6 đến 15 tuổi được dùng ván nhưng chỉ được dùng ván thôi (ván làm từ gỗ của những chiếc ván đã được cải táng bỏ ra). Trẻ dưới 6 tuổi chết thân nhân không được để tang và thờ cúng (không cúng cơm 100 ngày, không có tuần đầu, 49 ngày và cả giỗ cũng không có). Dân gian nói "chết mất giỗ" là để chỉ những trường hợp này. Trẻ chết từ 7 đến 15 tuổi thì được giỗ nhưng không có cúng cơm 100 ngày cũng như các lễ cúng tuần đầu, 49 ngày. Bàn thờ được lập riêng chứ không được thờ chung ở bàn thờ tổ tiên.

3. Chết ở ngoài nhà

Đó là các trường hợp như chết đuối, chết tai nạn ngoài đường hoặc chết khi đang ở bệnh viện,... tức là khi chết người đó không ở trong nhà của mình. Trường hợp này người ta kiêng không mang xác về nhà mà thường làm đám tang ở sân kho hay sân đình hoặc dựng rạp ngay trên đường tới nghĩa địa. Các nghi thức tế lễ, phúng viếng được tiến hành nhanh gọn ngay trong ngày, thường người ta chôn vào khoảng giữa trưa (từ 12 đến 2 giờ chiều). Trường hợp trẻ em chết đuối thì sau khi chôn từ 1 đến 3 ngày người ta phải làm lễ rước hồn. Thầy cúng bắc một chiếc cầu kiều (cầu làm bằng mảnh vải trắng, dài chừng 8m) từ dưới ao lên bờ, nơi đặt hương án. Trên hương án bày đủ xôi thịt, rượu, hương, nến. Thầy làm lễ cúng rồi phù phép rước hồn, khi nào trên tấm vải xuất hiện vết chân thì hồn đã lên bờ.
Về đại thể người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ nói chung đều tổ chức tang lễ theo những nghi thức truyền thống đã được ghi lại trong Thọ Mai gia lễ (cuốn sách do cư sĩ Hồ Sĩ Tân soạn từ thế kỉ 18) như lễ mộc dục, phạn hàm, khâm liệm, tế vong, rước tang, cúng 49 ngày, 100 ngày, giỗ chạp và tục cải táng...

Tuy nhiên, theo chiều dài lịch sử phát triển việc áp dụng những nghi thức này, ở mỗi vùng lại có những dị biệt nhỏ. Đôi khi, cùng một nghi thức nhưng cách thức thực hiện lại khác nhau và theo đó quan niệm, cách lí giải của người dân cũng khác nhau. Chẳng hạn, so sánh với nghi thức tang lễ ở làng Xuân Tảo (thuộc xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội), chúng tôi thấy: ở Xuân Tảo có tục hú hồn nhưng ở Quỳnh Hoa thì không; lễ phạt mộc thực hiện sau khi nhập quan chứ không phải trước lúc đưa đám. Đặc biệt hơn là cùng nghi thức quay cữu nhưng ở Xuân Tảo, quan tài được đặt theo hướng chân ở phía bàn thờ, đầu ở phía cửa, mặt hướng về bàn thờ với quan niệm cũng khác hẳn là để “vái lạy tổ tiên trước khi họ ra đi”...

Theo chiều lịch đại, những nghi thức này cũng có nhiều biến đổi bởi ảnh hưởng của kinh tế, chính trị, xã hội, sự phát triển của khoa học kĩ thuật... Hiện nay, một số vùng không còn tục đặt tên húy (thuỵ), tục con gái lớn lăn đường lăn huyệt, và con trai cả đội mũ rơm, chống gậy nữa.

Đáng chú ý hơn cả là sự thay đổi của các vật phẩm phúng viếng. Nó phản ánh rõ nhất ảnh hưởng của cơ chế thị trường, của thời kì đổi mới (cả ở cách nghĩ của người dân), in dấu sự phát triển của kinh tế, khoa học kĩ thuật, của mức sống xã hội. Xưa kia, người ta dùng vàng hương, cau rượu, câu đối, vòng hoa và họ hàng thì dùng chè xanh hay gạo để đỡ đần tang chủ. Ngày nay, phúng viếng tang ma người ta dùng hương, nến và “phong bì” với quan niệm để cho giản tiện, lịch sự và không bị coi là “cổ hủ”. Câu đối ngày càng ít dần, vòng hoa thờ thường chỉ có các cơ quan, đoàn thể sử dụng. Nến thắp trên áo quan thay thế cho dầu bông xưa kia và mỗi người chết đều có ảnh để thờ cúng. 

Gạt nhẹ lớp bề mặt với những biến đổi nói trên chúng ta sẽ thấy một mạch ngầm lặng lẽ chảy suốt chiều dài lịch sử mà vẫn không vơi cạn, vẩn đục: ấy là quan niệm của nhân dân về sự sống và cái chết, lối sống đậm đà tình làng nghĩa xóm, từ cộng cư, cộng đồng đến cộng cảm, cộng mệnh. "Sinh kí tử quy" (Sống gửi thác về), "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", "Nghĩa tử là nghĩa tận"... Đó còn là nhân sinh quan, vũ trụ quan của người dân coi cái chết là sự trở về thế giới bên kia, một thế giới giống như thế giới trần tục. Từ bao đời nay những quan niệm ấy, những lối sống ấy vẫn không thay đổi. Bởi vậy mà khi có một người chết thì chẳng cần tang chủ báo tin, họ hàng, làng xóm kéo đến thăm hỏi, chia buồn và làm giúp mọi việc, coi đó là trách nhiệm của mình. Họ thu xếp công việc để đi đưa tang với tất cả tình làng nghĩa xóm, tâm nguyện tu nhân tích đức mà không cần tang chủ phải biết đến sự có mặt của mình. Trong làng có một người mất thì nhà nào cũng có người đi đưa ma, đám tang nào cũng kéo thành đoàn dài, đông nghịt cả cánh đồng. Đó là thuần phong mĩ tục, là lối sống ân tình, là đạo lí dân tộc, xứng đáng được trân trọng, gìn giữ.
Share on Google Plus

About Phong Thuỷ Gia

Đệ tử hậu nhân của nho giáo, pháp đạo xin được chia sẽ chút kiến thức. Rất mong mọi người chỉ điểm thêm và đóng góp ý kiến giúp đạo, giúp đời..
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 Comments:

Post a Comment